Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm gần đây số người mắc bệnh dại gia tăng trở lại, với số ca tử vong rất cao. Riêng năm 2012, bệnh dại tại nước ta đã làm 98 người tử vong. Vậy làm cách nào để phòng chống bệnh này một cách hiệu quả?
Theo PGS. TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sau một thời gian dài có số ca mắc liên tục giảm thì từ năm 2007 đến nay, bệnh dại có xu hướng tăng mạnh trở lại ở phía Bắc. Vì thế, bệnh dại được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm tái nổi và đứng thứ 2 trong số các bệnh truyền nhiễm gây tử vong ở nước ta. Đáng chú ý, 96% nguồn lây bệnh dại là do đàn chó nuôi trong nhà dân, trong khi nhiều địa phương vẫn chủ quan, chưa quan tâm đến công tác tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo, vật nuôi.
Hiện bệnh dại cũng là loại bệnh gây tử vong cho người đứng đầu thế giới. Khi virút dại nhiễm vào người sẽ không có thuốc đặc trị và tử vong là điều khó tránh khỏi.
Bệnh chủ yếu lây qua vết cắn, virút dại được truyền trực tiếp từ chó dại sang người qua nước bọt tại vết cắn. Virút dại có nhiều trong nước bọt của thú mang bệnh dại. Qua vết cắn, liếm vết thương của người hoặc con vật khác, virút sẽ xâm nhập vào cơ thể, nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá huỷ mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết.
Nếu ở vùng có dịch bệnh dại, các chất thải như: nước dãi, nước tiểu… của động vật bị bệnh dại chứa hàm lượng virút cao cũng có nguy cơ lây nhiễm đối với các động vật đã có vết thương hở. Đặc biệt, virút dại đã có trong nước bọt của chó, mèo từ 10 – 15 ngày trước khi con vật phát bệnh, vì vậy tại thời điểm này nếu người bị chó, mèo cắn, liếm hoặc tiếp xúc trực tiếp với con vật thì người rất dễ bị lây nhiễm virút dại, tuy nhiên do con vật chưa có triệu chứng lâm sàng nên người dễ bỏ qua mà không chú ý đề phòng.
Người mắc virút dại thường có thời kỳ ủ bệnh từ 7 ngày đến nhiều tháng tùy thuộc loài, độc lực của virút và vị trí vết cắn. Đa số bệnh phát ra trong vòng 21 – 30 ngày sau khi con vật nhiễm virút. Ở chó thời gian này trung bình: 10 ngày.
Theo các chuyên gia, để phòng chống bệnh dại cần:
– Hạn chế nuôi chó.
– Tiêm phòng dại cho chó.
– Chó nuôi phải xích, nhốt.
– Chó ra đường phải có rọ mõm.
– Người bị chó, mèo nghi dại cắn phải đi tiêm phòng dại sớm, đầy đủ.
Cách xử trí khi bị súc vật nghi dại cắn:
– Rửa thật kỹ vết cắn bằng xà phòng và các chất sát khuẩn để diệt virus dại.
– Nếu phải cắt lọc vết thương chỉ được khâu trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày.
– Cần đến ngay cơ sở y tế khi: Bị cắn nhiều vết nguy hiểm; Bị cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục; Không theo dõi được con vật.
– Phải tiêm vaccin phòng dại và kháng dại sớm.
– Không nên điều trị thuốc Nam khi bị chó, mèo dại cắn.
Theo: Eva